Bắc Bộ Phủ với kiến trúc Pháp cổ cùng nhiều câu chuyện lịch sử đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến xem trong lần đầu mở cửa.
Nhà khách Chính phủ hay Bắc Bộ Phủ lần đầu mở cửa đón khách tham quan từ 9 đến 17/11, trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Bắc Bộ Phủ được xây dựng vào năm 1918, mang phong cách kiến trúc cổ Pháp, từng được gọi là Phủ thống sứ Bắc Kỳ; Phủ khâm sai Bắc Kỳ.
Tòa nhà đã chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đây làm việc, tòa nhà được gọi với tên Bắc Bộ Phủ.
Công trình này cùng Văn phòng Phủ Thống sứ (nay là trụ sở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), khách sạn Metropole và vườn Diên Hồng (vườn hoa con cóc) tạo thành quần thể có giá trị về cả kiến trúc, lịch sử, văn hóa lẫn cảnh quan – theo website của Nhà khách Chính phủ.
Những vết đạn ở hàng rào mặt trước của công trình được các nghệ sĩ làm nổi bật hơn, qua đó nhấn mạnh dấu tích lịch sử trong trận Bắc Bộ Phủ năm 1946.
Bắc Bộ Phủ có ba tầng, gồm một tầng hầm nhưng chỉ mở một phần tầng một để khách tham quan và tìm hiểu thông tin của công trình thông qua những tấm áp phích trên tường. Không gian tham quan nhỏ nhưng luôn đông nghịt khách từ sáng đến chiều.
Trong sáng 10/11, khoảng 2.000 người dân và du khách đã tới tham quan công trình. Khách tham quan đa dạng độ tuổi, đặc biệt nhiều người trẻ và các gia đình có con nhỏ.
Bắc Bộ Phủ hiện là nơi phục vụ các hoạt động lễ tân đối ngoại của Đảng, Nhà nước và của Bộ Ngoại giao. Trong hình là một trong hai gian phòng tiếp khách ở tầng một, được mở để du khách ngắm từ bên ngoài.
Nhiều du khách cũng tiếc vì không được tham quan kỹ hơn Bắc Bộ Phủ bởi không gian mở ở tầng một khá nhỏ. Trong hình là phòng tiếp khách còn lại, khách tham quan từ bên ngoài.
Họa tiết rồng ở thềm hướng ra khu khuôn viên phía sau của Bắc Bộ Phủ là chi tiết hiếm hoi thể hiện chất phương Đông trong tổng thể công trình.
Theo hướng dẫn viên, đây là tác phẩm của nghệ thuật ghép sành sứ và được tìm thấy nhiều trong các công trình thời nhà Nguyễn. Sau khi nhập gốm về, người thợ đập vỡ thành từng mảnh nhỏ rồi ghép chúng lại với xi măng.
Trong thời gian diễn ra lễ hội thiết kế sáng tạo, khuôn viên phía sau của Nhà khách Chính phủ được dùng để trưng bày các tác phẩm của tổ hợp triển lãm sắp đặt “Hiện” của nhóm các nhà điêu khắc và thiết kế đồ họa từ Đại học Kiến trúc Hà Nội. Các tác giả mong muốn thể hiện góc nhìn về giá trị xưa cũ thấp thoáng trong đời sống hàng ngày.
Bên cạnh Bắc bộ phủ thì còn một địa điểm khác cũng mở cửa tham quan thu hút lượng khách lớn khác như: Tòa nhà Đại học Tổng hợp
Nơi đây là tiền thân là Viện Đại học Đông Dương, lần đầu mở cửa đón khách tham quan với các triển lãm nghệ thuật sáng tạo.
Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” tại tòa nhà Đại học Tổng hợp, số 19 Lê Thánh Tông, diễn ra từ ngày 9 đến 17/11 là sự kiện giúp du khách lần đầu được tham quan công trình gần trăm tuổi cùng 22 tác phẩm nghệ thuật sáng tạo. Triển lãm thuộc hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Sảnh chính tòa nhà, nơi có mái vòm, những chiếc cột cao trang trí, là không gian đón tiếp du khách. Các họa sĩ đã tạo những ô kính hình vòm trên cánh cửa nhìn ra phố lớn, vừa lấy sáng vừa đem lại cảm giác giống như bức tranh kính khổng lồ, lấy cảm hứng hình ảnh những chiếc bóng đèn như tượng trưng cho ánh sáng của tri thức.
Các tác phẩm chân dung họa sĩ Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương và họa sĩ Tô Ngọc Vân – Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường do điêu khắc gia Trần Quốc Thịnh thực hiện, được đặt trong sảnh chính.
Du khách sẽ đi cầu thang nhỏ để lên tầng 5 của tòa nhà, nơi có thể ngắm mái vòm của sảnh chính. Tại đây có các tác phẩm trang trí gồm đèn chùm của kiến trúc sư Lê Phước Anh; tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ trên chất liệu mika dẫn sáng, khắc chìm, lấy cảm hứng bức đồ án thiết kế trang trí tòa nhà Đại học Đông Dương của Kiến trúc sư Ernest Hebrard.
Trong hội trường Ngụy Như Kon Tum bên trái sảnh chính là tác phẩm sắp đặt, hòa nhạc video Đại tượng 2 – Sơn Hà Diễn Nghĩa của các nghệ sĩ thị giác. Cũng trong phòng này có tác phẩm sắp đặt bức tranh sơn dầu Thăng Đường Nhập Thất, được dựng từ ảnh đen trắng gốc xử lý qua công nghệ số, kết hợp video nghệ thuật và hình ảnh động.
Dọc theo các tầng là các tác phẩm điêu khắc, đất nung, đặc biệt là sắp đặt sách nghiên cứu hồi cố về họa tiết mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm nhiếp ảnh về kiến trúc Đông Dương.
Bên ngoài tòa nhà là tác phẩm Letters – Sciences – Arts (Văn chương – Khoa học – Nghệ thuật), lấy cảm hứng từ triết lý và định hướng đào tạo đa ngành, liên ngành của Đại học Đông Dương xưa. Nhiều vị trí trong khuôn viên, hành lang, sảnh tòa nhà, là những mô hình điêu khắc inox gương họa sĩ Victor Tardieu và Kiến trúc sư Ernest Hebrard.
Tòa nhà Viện Đại học Đông Dương được xây dựng ở Hà Nội theo phong cách kiến trúc Đông Dương, do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế năm 1924. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956, tiếp quản các tòa nhà thuộc Viện Đại học Đông Dương, hiện nay là địa điểm của Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tháng 11/2013, công trình được HĐND TP Hà Nội đưa vào danh mục các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.